Để có thêm góc nhìn về tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam và những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi sang giải pháp logistics xanh, Tạp chí Vietnam Logistics Review có cuộc trao đổi cùng bà Nguyễn Lê Hằng, Giám đốc Đối ngoại SLP Việt Nam tại VILOG 2024.
Bà Nguyễn Lê Hằng, Giám đốc đối ngoại SLP Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "Xanh hóa logistics Việt Nam - Từ nhận thức tới hành động" trong khuôn khổ sự kiện VILOG 2024
Những thách thức nào mà SLP gặp phải khi chuyển đổi sang các giải pháp logistics xanh?
Chi phí đầu tư cho các giải pháp logistics xanh thường cao hơn so với các phương pháp truyền thống, từ đó phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, hạ tầng hỗ trợ cho các giải pháp logistics xanh vẫn còn hạn chế và chưa được phát triển đồng bộ.
Một số loại hình công nghệ xanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, đôi khi dẫn tới những khó khăn trong quá trình vận hành và triển khai. Ngoài ra, việc phát triển logistics xanh đòi hỏi nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao về công nghệ và quản lý môi trường. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này hiện nay vẫn còn khá mỏng tại Việt Nam.
SLP có thể đưa ra nhận định về tiềm năng phát triển ngành logistics Việt Nam?
Tại Việt Nam, dư địa phát triển là vô cùng lớn nhìn từ tiềm năng nội tại của thị trường tiêu dùng. Nhu cầu chuyển dịch của các công ty sản xuất cũng yêu cầu sự phát triển tương ứng về chuỗi cung ứng. Sự gia tăng của hoạt động thương mại điện tử cũng tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ logistics.
Ngoài ra, vị trí địa lý chiến lược gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển nếu có chiến lược phù hợp. Việt Nam đang đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường bộ và đường sắt. Việc này giúp cải thiện khả năng vận chuyển hàng hóa và giảm chi phí logistics.
Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam công việc cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hải quan cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động. Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.
SLP có thể đưa ra một số góp ý để giúp ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững hơn trong giai đoạn tới?
Trước hết, chúng tôi cho rằng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục được cải thiện, tạo sự đồng bộ giữa các vùng miền, khu vực, tạo ra tính liên kết cao. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy nhanh số hóa và áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất, minh mạch, đồng thời tập trung hơn vào phát triển nguồn nhân lực.
Ngoài ra, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến logistics, đặc biệt cần tập trung vào phát triển các chính sách chuyên sâu thay vì chỉ đi theo chiều rộng, cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, như sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển để giảm khí thải, và tái chế bao bì.
Đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc trao đổi kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quản lý logistics. Điều này sẽ giúp ngành logistics Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khách hàng ghé thăm gian hàng của SLP tại sự kiện VILOG 2024
SLP có thể chia sẻ về những sản phẩm hoặc dịch vụ nổi bật tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại?
SLP đã và đang mang đến cho khách hàng các giải pháp toàn diện về cơ sở và dịch vụ công nghiệp, với hệ thống công nghệ tiên tiến, giúp nhà đầu tư mới thuận lợi trong quá trình đầu tư cũng như giúp khách hàng nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua mô hình “SLP One-Stop Service Station”. Tính đến tháng 4/2024, SLP sở hữu danh mục đầu tư gồm 11 cơ sở công nghiệp hiện đại, trải rộng trên sáu tỉnh thành chính của Việt Nam với tổng diện tích gần 1 triệu mét vuông. Trong đó hơn một nửa đã đi vào hoạt động, bao gồm SLP Park Hải Phòng, SLP Park Yên Phong, SLP Park Nam Sơn Hạp Lĩnh; SLP Park Long Hậu, SLP Park Xuyên Á và SLP Park Bình Minh.
Trong quý 4/2024, SLP Park Bắc Ninh, tọa lạc tại khu công nghiệp Thuận Thành II sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu nhà xưởng, nhà kho phục vụ sản xuất và lưu trữ, phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc này.
Ngoài ra, dự kiến trong năm 2025 và 2026, 4 dự án tiếp theo của SLP sẽ được hoàn thành tại Hưng Yên, Đồng Nai, Long An và Bắc Ninh, hứa hẹn đem đến thị trường các cơ sở hạ tầng công nghiệp, hậu cần hiện đại đáp ứng nhu cầu về sản xuất, phân phối hàng hóa trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang tiếp tục là thị trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến mở rộng kinh doanh và đa dạng hóa chuỗi sản xuất, cung ứng.
Triển lãm VILOG 2024 có tạo ra cơ hội hợp tác mới cho SLP không? SLP đã có những kết nối nào đáng chú ý?
Có thể nói Triển lãm Quốc tế Logistics Vietnam 2024 là một sự kiện lớn, quy tụ hơn 300 công ty với 400 gian hàng trưng bày. Chúng tôi nhận thấy đây không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến đầu ngành, mà còn là nền tảng để thúc đẩy kết nối toàn cầu trong ngành logistics.
Đến với Triển lãm, SLP cũng vinh dự được tiếp đón gần 10 ngàn lượt khách tham quan trong ba ngày sự kiện. Chúng tôi đã giới thiệu những giải pháp tiên tiến; chuỗi nhà kho và nhà xưởng hiện đại, bao gồm nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn và các dự án xây theo yêu cầu của SLP trên cả nước tới khách hàng và đối tác tiềm năng. Đông đảo đối tác doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm, và mong muốn tìm hiểu về các dịch vụ dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư từ kết nối hỗ trợ thủ tục đầu tư, xin giấy phép hay vận hành, cũng như cam kết phát triển bền vững của SLP.
Bên cạnh đó, SLP cũng vinh dự là một trong các diễn giả chính, góp mặt tại Hội thảo "Xanh hóa logistics Việt Nam - Từ nhận thức tới hành động” trong khuôn khổ sự kiện, để chia sẻ về câu chuyện thành công trong việc “xanh hóa logistics” của chính doanh nghiệp mình.
Theo VLR