Doanh nghiệp có thể sử dụng đường sắt vận chuyển hàng hóa sang châu Âu hoặc kết hợp đường biển – đường hàng không, đường biển – đường sắt, đường biển – đường bộ thay vì chỉ vận chuyển bằng đường biển. Đây là một trong vài gợi ý của Cục Xuất nhập khẩu và đại diện đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đưa ra trong “Cuộc họp Thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp XNK do tình hình Biển đỏ” vào sáng 06/02/2024.
Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu chủ động ứng phó với tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ
Doanh nghiệp có thể sử dụng đường sắt vận chuyển hàng hóa sang châu Âu hoặc kết hợp đường biển – đường hàng không, đường biển – đường sắt, đường biển – đường bộ thay vì chỉ vận chuyển bằng đường biển. Đây là một trong vài gợi ý của Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và đại diện đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đưa ra trong “Cuộc họp Thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp XNK do tình hình Biển Đỏ” vào sáng 06/02/2024.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp
Cụ thể, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Châu Âu có thể xem xét các tuyến đường thay thế, ví dụ tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến châu Âu. Hoặc xem xét tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang Châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa thay vì phụ thuộc vào một vài nhà cung ứng tại một số quốc gia nhất định. Việt Nam hiện đã ký và thực thi 17 FTA với các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nên rất thuận lợi trong việc xây dựng mạng lưới cung ứng rộng khắp.
Để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên mua bảo hiểm đầy đủ cho hàng hóa. Bên cạnh đó khi đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán cần quan tâm và chú trọng tới hợp đồng (hoặc điều khoản) về vận chuyển, giao hàng và bảo hiểm nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường này.
Luôn đảm bảo rằng các hợp đồng vận chuyển có điều khoản về tình huống bất khả kháng, bồi thường và phân chia chi phí khi hàng hóa gặp rủi ro. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi ký các hợp đồng mua bán quốc tế thường lựa chọn phương thức mua CIF, bán FOB. Theo các phương thức này thì chi phí vận chuyên và các rủi ro phát sinh thuộc về đối tác. Tuy nhiên, vê lâu dài thì đây không phải là phương thức được khuyến khích, và đối tác vẫn có thể yêu cầu chia sẻ rủi ro mới giữ được quan hệ lâu dài.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ, rủi ro, tổn thất từ các sự cố trong thương mại, vận chuyển quốc tế và các vấn đề liên quan. Chuẩn bị kế hoạch phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu thời gian tác động và hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng.
Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Ngoài các nội dung trên, Ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch VLA đặc biệt nhấn mạnh đề xuất Bộ Ngoại giao, Công thương cần tăng cường cung cấp thông tin và có hướng dẫn kịp thời về tình hình Biển Đỏ cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, xây dựng mạng lưới cung ứng thay vì chuỗi cung ứng. Và về lâu dài, để tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp logistics Việt Nam trong việc vận chuyển hàng hoá quốc tế, Nhà nước cần sớm triển khai chiến lược xây dựng đội tàu container quốc gia, hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa….
Những giải pháp trên có thể góp phần gia tăng sự linh hoạt và khả năng chống chịu với các biển động của môi trường kinh doanh quốc tế liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam khi xảy ra các sự cố không mong muốn trong tương lai như sự cố trên Biển Đỏ lần này.
Theo VLR